Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại hội nghị “Kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội” ngày 15/8 do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội và Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lan cho rằng năm 2022, thách thức vẫn bủa vây các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thiếu hụt lao động, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, đầu ra chậm khiến lượng tồn kho tăng cao. Lúc này, nguồn vốn là sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn vay, doanh nghiệp sẽ “lao đao” hơn.
Nắm bắt được thực trạng của doanh nghiệp, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành một số Nghị định, Quyết định về việc hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại ngân hàng… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn có cơ hội tiếp cận các nguồn vay ưu đãi.
Tuy nhiên, theo bà Lan, một số chính sách trong chương trình phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp tỷ lệ giải ngân còn thấp. Việc xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu đề ra, chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết. Việc tiếp cận của doanh nghiệp với các chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, chia sẻ doanh nghiệp nữ quy mô nhỏ chiếm đa số, ngoài ra là doanh nghiệp nữ mới khởi nghiệp. Các khó khăn sau đại dịch với doanh nghiệp do nữ làm chủ là rất lớn, đặc biệt eo hẹp về tài chính.
Trong khi các doanh nghiệp nữ quy mô vừa, hoạt động từ 10 năm trở lên đều có ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ, nên định mức của ngân hàng với doanh nghiệp đó cũng không sử dụng hết. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ, khởi nghiệp thì lại rất cần, rất thiếu.
Hơn nữa, với các doanh nghiệp nhỏ, việc xây dựng đề án đáp ứng yêu cầu của ngân hàng cho vay không phải là dễ. “Với nhiều yêu cầu để được vay vốn của một số Quỹ, ngân hàng như hiện nay thì dường như không doanh nghiệp nhỏ nào vay được”, bà Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Vinh Hạnh, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Văn, Tân Ước (đại diện 43 chủ đầu tư Cụm công nghiêp trên địa bàn thành phố Hà Nội), thừa nhận rằng họ có nhu cầu vốn rất lớn để triển khai dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn, do chính sách thay đổi liên tục, như chuyển tiền thuê đất từ 1 lần sang hàng năm.
“Như vậy, nguy cơ có thể bị phá sản khi chúng tôi đã bỏ vào 1.500 tỷ đồng để triển khai hạ tầng khu công nghiệp. Nhưng đến giờ phút này thu hút đầu tư trên địa bàn rất khó vì họ biết chính sách thay đổi, họ sẽ không vay được vốn ngân hàng nên họ không vào đầu tư”, bà Hạnh e ngại.
Chia sẻ khó khăn của đại diện Cụm công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng việc cho thuê đất hàng năm là chủ trương Nghị quyết 82 của Quốc hội và Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị.
Song từ sự thay đổi trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, các quỹ tín dụng, tổ chức ngân hàng thương mại nên có tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước để có những thay đổi về chính sách cho phù hợp. Đơn cử, nếu doanh nghiệp được giao đất hàng năm thì cơ chế chính sách vay được bao nhiêu, phải đáp ứng như thế nào so với thuê đất 1 lần.
“Chính sách của ngân hàng cũng cần phải làm ngay và luôn để cùng đồng bộ triển khai khớp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Như vậy sẽ đáp ứng hài hoà chủ trương nhà nước ban hành ra đến được với cuộc sống của người dân và doanh nghiệp”, bà Lan đề xuất.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay một cách đơn giản hơn. Hồ sơ vay vốn làm sao để doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng tiếp cận được nguồn vốn. Lãi suất vay thấp hơn so với lãi suất thương mại bình thường.
Thời gian cho vay kéo dài hơn để doanh nghiệp chủ động nguồn vốn và có kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt các doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp chứ không đủ khả năng để vay thế chấp, vì nếu thế chấp thì rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện.
Ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực (HAMI), cho biết các hội viên mong được tiếp cận với các nguồn vốn dễ dàng hơn. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cần hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn dự án, bảo đảm tính chính xác, hợp lý của hồ sơ, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp vay đầu tư dự án về thời gian, thủ tục hành chính, hướng dẫn, nộp và xem xét, giải quyết hồ sơ vay vốn theo quy định…
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.
Vì thế, ông Vân kiến nghị, các tổ chức tài chính tiếp tục cho vay với lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài. Vì đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ phải mất 2-3 năm may ra mới có lãi, thậm chí có doanh nghiệp 5-10 năm.
Đơn cử như cho công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, thẩm định sản phẩm đủ tiêu chuẩn phải mất 5 năm để được vào chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, ông Vân đề xuất có thêm hình thức vay tín chấp, bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp “cởi áo vest” ra là hết tiền. Hay như doanh nghiệp mới bắt tay vào khởi nghiệp, 3 năm là sớm để có lợi nhuận, nên có thể tín chấp bằng chính nhà máy, máy móc thiết bị của họ.
Đồng thời, các tổ chức tài chính nên có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Ví dụ như doanh nghiệp có đơn hàng với Canon, họ đặt hàng nghìn sản phẩm thì ngân hàng “trói” luôn đơn hàng đó.
Một kiến nghị nữa, ông Vân đề xuất các quỹ, ngân hàng xem xét tài trợ cho vay để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, vay dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm đáp ứng yêu cầu của khách mua…
Theo Vneconomy