Gặp trường hợp “lạ” trong thanh toán L/C, DN đối mặt với nguy cơ mất hàng

Ngành tiêu nửa 6 tháng đầu năm 2020: Khó vẫn hoàn khó
31 Tháng Bảy, 2020
Giá tiêu tăng 500 đ/kg tại Tây Nguyên (17/08/2020)
17 Tháng Tám, 2020

Một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cao su sang Pakistan đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng lô hàng đã giao do ngân hàng phía bên mua từ chối thanh toán. Nhà xuất khẩu này vừa gặp một trường hợp vô cùng hiếm dù đã sử dụng phương thức thanh toán được coi là an toàn nhất: L/C.

Rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu ở giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có xu hướng gia tăng khi bên mua cũng gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Theo thông tin được Thương vụ Việt Nam tại Pakistan (thuộc Bộ Công Thương) chia sẻ thì doanh nghiệp “gặp nạn” là một công ty tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Công ty ký hợp đồng xuất khẩu cao su sang Pakistan và đã thỏa thuận với khách hàng sử dụng phương thức thanh toán thư tín dụng (Letter of credit – L/C). Sau khi giao hàng, công ty làm thủ tục thanh toán nhưng ngân hàng nơi bên mua mở L/C từ chối với lý do bộ chứng từ không phù hợp với các quy định.

Lúc này, công ty liên hệ trực tiếp với khách hàng, đề nghị chấp nhận thanh toán nhưng cũng bị từ chối. Nguyên nhân khá dễ hiểu là vào thời điểm đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, giá cao su rớt mạnh nên khách hàng tìm cách ép giá.

Doanh nghiệp muốn chuyển lô hàng về lại Việt Nam (sau khi tìm cách bán cho khách hàng mới nhưng không thành công) nhưng cũng không thể thực hiện do không đáp ứng điều kiện phải có sự chấp thuận của khách hàng cũ theo quy định của nước sở tại (luật pháp Pakistan chỉ cho tái xuất một lô hàng nhập khẩu đã mở tờ khai hải quan nếu có sự chấp thuận của người mua). Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, thậm chí mất lô hàng.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, công ty xuất khẩu cao su tại Thừa Thiên Huế này đã gặp một rủi ro, vốn có thể xảy ra với người bán khi sử dụng thanh toán qua L/C, phương thức thanh toán quốc tế được cho là an toàn nhất này. Đó là bị người mua cố tình gài bẫy bằng cách đưa vào các quy định của L/C một hoặc một số yêu cầu mà người bán không thể thực hiện được.

Trong trường hợp kể trên, L/C yêu cầu người bán ngoài vận đơn (Bill of Lading – B/L) còn phải xuất trình thêm một giấy chứng nhận do hãng tàu ký và đóng dấu. Vấn đề là khi giao hàng, hãng tàu chỉ cấp cho công ty xuất khẩu giấy chứng nhận có chữ ký mà không đóng dấu với lý do làm theo quy định của luật quốc tế áp dụng trong lĩnh vực vận tải biển.

Trong trường hợp này, nhân viên phụ trách thanh toán quốc tế của doanh nghiệp dường như đã sơ sót, chưa thực hiện đủ các bước kiểm tra (như giáo trình đào tạo đã chỉ dẫn). Đó là khi nhận được L/C, nhân viên phụ trách thanh toán quốc tế phải nghiên cứu kỹ nội dung đến từng dấu chấm, dấu phẩy để xác định tất cả các quy định đối với bộ chứng từ thanh toán và thông báo đến các bộ phận liên quan trong công ty chuẩn bị các giấy tờ như yêu cầu.

Trong trường hợp có bộ phận liên quan phản hồi không thể thực hiện quy định của L/C thì nhân viên phụ trách thanh toán quốc tế phải báo cáo và đề xuất lãnh đạo công ty yêu cầu khách hàng điều chỉnh L/C. Nếu khách hàng không chấp nhận điều chỉnh L/C thì doanh nghiệp buộc phải từ chối giao hàng để tránh nguy cơ bị từ chối thanh toán.

“Thanh toán L/C là một thử thách khắc nghiệt đối với nhân viên phụ trách thanh toán quốc tế vì theo quy định quốc tế, chỉ cần trong bộ chứng từ có một sai sót rất nhỏ như một lỗi chính tả, thậm chí một dấu chấm, dấu phẩy đánh máy thiếu hoặc sai vị trí cũng đủ để khách hàng và ngân hàng có lý do để từ chối thanh toán”, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan nhấn mạnh.

Trao đổi với TBKTSG Online xung quanh câu chuyện này, giám đốc một doanh nghiệp đã có 25 năm xuất nhập khẩu hàng hóa (không muốn nêu tên) cho biết, từ trước đến nay, doanh nghiệp của bà chưa bao giờ gặp yêu cầu có con dấu của hãng tàu như trường hợp doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế kể trên. Và trên thực tế thì hãng tàu cũng chưa bao giờ đóng dấu. Vì vậy, trong trường hợp này, khả năng cao là doanh nghiệp bị gài bẫy và có thể do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan nên đã bỏ sót chi tiết này trong yêu cầu L/C.

Vị này cho biết, từ nhiều năm nay, để tránh rủi ro khi xuất khẩu hàng, kể cả đã sử dụng phương thức thanh toán an toàn nhất là L/C, doanh nghiệp của bà đã  phải mua bảo hiểm xuất khẩu. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chỉ bán bảo hiểm cho các công ty sử dụng phương thức L/C.

“Tất nhiên, việc này khiến chúng tôi tốn thêm chi phí nhưng đành chấp nhận bớt lợi nhuận để mình ngủ ngon. Có bảo hiểm thì nếu có vấn đề thì họ sẽ gánh cho mình. Trước đó thì họ cũng sẽ giúp mình kiểm tra hồ sơ, giảm thiểu các sơ sót”, bà nói.

Theo TBKTSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *