Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thu hoạch hồ tiêu Việt Nam 2020 kết thúc với sản lượng ước đạt 240.000 tấn, giảm 15% so với năm 2019.
Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, giá xuống thấp đã không còn hấp dẫn nông dân trong việc chăm sóc vườn tiêu, cùng với đó là tình hình sâu bệnh dẫn tới năng suất các vườn tiêu giảm.
Tình hình sản xuất khó khăn nhưng việc tiêu thụ càng khó khi doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.
Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam quí II diễn ra hồi đầu tháng 7, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu nhiều ngành hàng giảm, trong đó có hồ tiêu.
Nửa đầu năm 2020 cho thấy xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có chiều hướng giảm, giá xuất khẩu không cao.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu đạt 166,8 nghìn tấn, trị giá gần 356 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 21,1% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.134 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kì năm 2019.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Minh Thông Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết “Trước đây, có những ngày chúng tôi kí 60 – 70 hợp đồng nhưng giờ chỉ có thể kí được 2 – 3 hợp đồng/ngày.
Điển hình như ở châu Âu, hàng chúng tôi chất ở cảng Hamburg mà không bán được. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tiêu thì cứ thu hoạch mà không bán được, doanh nghiệp chỉ biết ngồi chơi”.
Ông Thông cho biết Rất nhiều khách hàng đã mua hàng đều muốn bán ngược trở lại cho công ty. Thậm chí, một số khách hàng muốn tạm hoãn việc giao hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phúc Sinh là doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng đầu năm nay, sau Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, theo VPA.
Hoạt động thương mại ở các thị trường tiêu thụ Hồ tiêu lớn khác như Mỹ và EU càng trở nên trầm lắng trước sự bùng phát dịch COVID-19.
Trong khi đó, chính phủ Nepal đã áp lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có hồ tiêu nhằm siết chặt quản lí ngoại tệ.
Quy định đột ngột này đã khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu hồ tiêu từ các quốc gia khác không được thông quan và bị kẹt tại Nepal và Ấn Độ, trong đó có 58 lô hàng từ Việt Nam. Điều khiến doanh nghiệp xuất khẩu đã khó nay càng khó khăn hơn.
Mới đây, Bộ Công Thương và Vật tư Nepal đã có văn bản yêu cầu Hải quan Nepal cho phép các công hàng đang bị mắc kẹt được tái xuất về nước theo mong muốn của các doanh nghiệp.
Hải quan Nepal cũng đã có văn bản gửi tất cả các Chi cục Hải quan yêu cầu cho phép các công hàng hồ tiêu mắc kẹt được tái xuất.
Tình hình thương mại hiện tại trầm lắng trước sự bùng phát của đại dịch. Giá tiêu chạm đáy ở mức 35.500 đồng là sự khủng hoảng đối với ngành hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cuối tháng 5, giá tiêu tăng đột biến 12.000-15.000 đồng/kg lên khoảng 60.000 đồng/kg rồi giảm xuống chỉ còn 53.000 đồng/kg. Đầu tháng 6, giá giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg tuy nhiên 10 ngày sau đó giá tăng lại 53.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đức Thụ, Ủy viên Ban chấp hành VPA: “Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường Hồ tiêu Việt Nam.
Sự tăng giá đột biến từ 40.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg không phải là không có cơ sở khi các thương lái Trung Quốc mua lúc giá giảm và chốt lời lúc giá tăng ngay tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chạm mốc 60.000 đồng/kg là điều ngoài dự tính”.
Việc giá tiêu tăng đột ngột khiến người dân không chịu bán ra vì chờ giá tăng trong khi doanh nghiệp cần hàng để giao cho khách.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch VPA, bản thân doanh nghiệp ông lượng hàng cung cấp cho các hợp đồng tháng 6,7 đã đủ nhưng các hợp đồng xa hơn từ tháng 8 đến tháng 10 khả năng thiếu.
“Trong trường hợp nguồn cung trong nước thiếu nếu người dân không chịu bán ra, khả nâng chúng tôi sẽ phải nhập khẩu hàng từ các nước Brazil hay Indonesia. Tuy nhiên, điều này lại có lợi cho ngành tiêu nước ngoài chứ không phải trong nước”, ông Hiên nói.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định giá tiêu Việt Nam tăng ảo tạo điều kiện cho các thị trường khác mở rộng thị phần. Còn ở Việt Nam hàng chỉ có truyền tay qua, truyền tay lại trong giới đầu cơ chứ không ra khỏi Việt Nam.
Ông Thông nhắc lại bài học trong quá khứ của ngành hồ tiêu Việt Nam đã để lọt cơ hội cho nước khác.
“Thời điểm giá tiêu lên đến 120.000 đồng/kg, người dân găm hàng không muốn bán để chờ giá lên hơn nữa. Điều này tạo cơ hội cho Brazil tăng lượng xuất khẩu hồ tiêu từ mức 40.000 tấn lên 85.000 tấn.
Áp lực nguồn cung lớn đẩy giá tiêu xuống chỉ còn 80.000 đồng/kg và tiền của nông dân và doanh nghiệp cũng bị cuốn đi”, ông Thông nói.
Tại cuộc ban chấp hành VPA, ông Đinh Xuân Thu, Ủy viên ban chấp hành VPA cho rằng Trong vòng 3 năm tới thị trường sẽ có nhiều biến động. Với vị trí hàng đầu trong ngành Hồ tiêu thế giới, sự biến động sản lượng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Diễn biến thực tế trong giai đoạn tháng 4 vừa qua, hoạt động mua bán giống tại vùng trồng trở nên nhộn nhịp nhưng hiện tại cung cấp giống gần như khan. Các vườn tiêu từ 1 đến 3 năm tuổi vẫn còn nhiều tại Đăk Lăk.
Như vậy, khả năng năm sau đường cong giá có thể chạm mức 70.000 đồng/kg rồi lại đi xuống. Trong vòng 3 năm tới, giá hồ tiêu có thể dạo động ở mức 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thể có lãi nếu đầu tư với chi phí hợp lí.
Còn trong ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các chính sách ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 như việc giãn cách xã hội hay đóng cửa các dịch vụ kinh doanh ăn uống.
Diện tích hồ tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn hiện đã đến thời điểm cho sản lượng cao. Sự mất cân bằng cung-cầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm giá tiêu trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá hạt tiêu biến động theo 2 chu kỳ, giảm trong quý I nhưng tăng trong quý II do nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra.
Bộ NN&PTNT dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và đang có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại tại nhiều thị trường tiêu thụ tiêu lớn như Mỹ và EU.
Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm giảm sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão lụt tại Trung Quốc khiến sức mua mặt hàng này giảm. Xu hướng giảm giá được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới.