Đó là nhận định của ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khi nói về hiện tượng tăng giá tiêu ảo, doanh nghiệp không thể xuất khẩu cho các khách hàng.
Ảnh: Tin tức Việt Nam
Tiếp tục thông tin về nguyên nhân giá tiêu tăng phi mã trong những ngày gần đây, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết hiện nay thị trường đang nhiễu loạn thông tin về đầu nguyên liệu.
Theo đó, một số đại lí đang găm trữ hàng đẩy giá lên cao để kiếm lời bằng cách tung tin đồn rằng giá tiêu có thể tăng lên tới 70.000 – 80.000 đồng/kg do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đang tăng mạnh.
Điều này dẫn đến người nông dân không muốn bán ra do chờ giá cao hơn nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc mua hàng.
Trao đổi với người viết, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Công ty cổ phần Phúc Sinh, người được mệnh danh là ông “vua” trong xuất khẩu hồ tiêu cho biết trên thực tế nhu cầu trên thế giới vẫn đang ở mức thấp khi nhiều hệ thống nhà hàng vẫn đang phải đóng cửa.
“Rất nhiều khách hàng đã mua hàng của chúng tôi đều muốn bán ngược trở lại cho công ty. Thậm chí, một số khách hàng muốn tạm hoãn việc giao hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bởi hiện tại. phân khúc khách hàng của họ là các nhà hàng khách sạn vốn đang phải đóng cửa”, ông Thông cho biết.
“Giá tăng cao nhưng bà con không được hưởng lợi do khách hàng ở nước ngoài chỉ muốn mua ở giá cũ, còn giá mới họ không chấp nhận”, ông Hiên nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định hành động tung tin đồn thất thiệt này trực tiếp “giết” hoạt động xuất khẩu tiêu của doanh nghiệp trong nước trong khi gần như đầu ra duy nhất của tiêu Việt Nam là xuất khẩu.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa.
Ông Hiên cho biết bản thân doanh nghiệp ông lượng hàng cung cấp cho các hợp đồng tháng 6,7 đã đủ nhưng các hợp đồng xa hơn từ tháng 8 đến tháng 10 khả năng thiếu.
“Trong trường hợp nguồn cung trong nước thiếu nếu người dân không chịu bán ra, khả nâng chúng tôi sẽ phải nhập khẩu hàng từ các nước Brazil hay Indonesia. Tuy nhiên, điều này lại có lợi cho ngành tiêu nước ngoài chứ không phải trong nước”, ông Hiên nói.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định giá tiêu Việt Nam tăng ảo tạo điều kiện cho các thị trường khác mở rộng thị phần. Còn ở Việt Nam hàng chỉ có truyền tay qua, truyền tay lại trong giới đầu cơ chứ không ra khỏi Việt Nam.
Ông Thông nhắc lại bài học trong quá khứ của ngành hồ tiêu Việt Nam đã để lọt cơ hội cho nước khác.
“Thời điểm giá tiêu lên đến 120.000 đồng/kg, người dân găm hàng không muốn bán để chờ giá lên hơn nữa. Điều này tạo cơ hội cho Brazil tăng lượng xuất khẩu hồ tiêu từ mức 40.000 tấn lên 85.000 tấn. Áp lực nguồn cung lớn đẩy giá tiêu xuống chỉ còn 80.000 đồng/kg và tiền của nông dân và doanh nghiệp cũng bị cuốn đi”, ông Thông nói.
Một hệ lụy khác nguy hiểm hơn, theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu đó chính giá tiêu tăng ảo kèm theo giá nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón…đang rẻ khiến người nông dân lại đổ xô trồng tiêu khiến nguồn cung đã dư thừa lại càng dư thừa hơn.
Ông Hiên cho biết thời điểm giá tiêu chỉ khoảng 38.000 – 42.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc mua rất nhiều vì giá rẻ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi giá tiêu tăng phi mã họ lại bán ngược trở lại Việt Nam để thu lời.
“Trong bối cảnh giá tiêu tăng vọt, họ bán ngược trở lại vào thị trường Việt Nam đối với những lô hàng còn nằm ở biên giới.
Thậm chí, một số lô hàng đã xuất sang Trung Quốc nhưng chưa kịp tiêu thụ, các thương nhân chở ngược về Việt Nam để bán”, ông Hiên nói.
Chia sẻ với người viết ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng đợt tăng giá này chỉ là tạm thời chứ không phải là biểu hiện của đợt phục hồi giá dài hạn do nguồn cung trên thế giới vẫn đang lớn hơn cầu.
“Trong khi nhu cầu hồ tiêu trên thế giới chỉ tăng trưởng 2,5%/năm thì tốc độ tăng trưởng nguồn cung lên tới 8%/năm”, ông Hải cho biết.
Trên thực tế, ông Hiên cho hay cuối tuần trước và hôm nay (1/6) áp lực bán ra đã khiến giá tiêu bắt giảm.
Theo dữ liệu từ tintaynguyen.com, hôm thứ Bảy (30/6), giá tiêu Tại Vũng Tàu giảm còn 56.000 đồng/kg, sau khi lập đỉnh 60.000 đồng/kg, mức giá được nhìn thấy lần cuối vào tháng 11/2018.
Tại Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai giá tiêu giảm 4.000 đồng/kg xuống 52.000 – 55.000 đồng/kg. Đồng Nai giảm ít hơn, 3.000 đồng/kg, xuống 54.000 đồng/kg.
Trong sáng nay, duy nhất tại tỉnh Gia Lai giá tiêu tăng 1.000 đồng/kg lên 53.000 đồng. Ngược lại, tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Vũng Tàu giá tiêu giảm nhẹ 500 đồng/kg xuống 54.000 – 55.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sản lượng tiêu ước đạt 250.000 tấn, tồn kho năm 2019 chuyển sang khoảng 90.000 tấn, do đó nguồn cung năm 2020 ước đạt khoảng 350.000 tấn, chiếm hơn 50% nguồn cung trên toàn thế giới.
“Nguồn cung vẫn cao trong khi hàng loạt các hệ thống nhà hàng lớn trên thế giới vẫn đang bị đóng băng thì tổng thể không có lí do gì khiến giá tiêu tăng mạnh. Do đó, việc găm hàng, không bán ra lúc này là điều không nên”, ông Thông nhận định.