Dầu tăng vọt sau phát biểu của Tổng thống Trump
Giá dầu thô vừa có một phiên tăng giá nhiều kỷ lục lịch sử sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông dự đoán Nga và Saudi Arabia sẽ thông báo cắt giảm mạnh sản lượng, và truyền thông Saudi Arabia cũng đưa tin vương quốc này đang kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ họp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng giá dầu giảm.
Kết thúc phiên vừa qua, giá dầu Brent tăng 5,2 USD (21%) lên 29,94 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 5,-1 USD (24,7%) lên 25,32 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc dầu Brent tăng 47% – mức tăng trong một phiên nhiều chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu; còn WTI có lúc cũng tăng 35% – mức tăng nhiều thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau lần tăng 36% hôm 19/3.
Ông Trump đã điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, sau đó đưa ra nhận định Saudi Arabia và Nga sẽ giảm khoảng 10 – 15 triệu thùng sản lượng dầu, vì 2 nước này đã tỏ ý sẵn sàng thực hiện điều đó. Ông Trump không nói rõ mức giảm mỗi ngày là bao nhiêu thùng (cung – cầu dầu thế giới tính bằng thùng/ngày). Tuy nhiên, con số giảm nhiều như vậy chứng tỏ sẽ có sự tham gia cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất lớn khác ngoài OPEC.
Với tình trạng hiện nay, nhu cầu dầu thế giới dự báo giảm 20% – 30% trong những tháng tới, gây sức ép lên các nước sản xuất dầu, buộc họ phải nỗ lực để đạt được một thỏa thuận.
Vàng, bạc và bạch kim đi lên do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng
Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tuần thứ 2 liên tiếp tăng lên mức cao kỷ lục sau khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng gây tổn thất cho nền kinh tế nước này.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.610,68 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6/2020 tăng 2,9% lên 1.637,7 USD/ounce.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đã lên mức cao kỷ lục 6,65 triệu người, do dịch Covid-19 buộc nhiều bang phải đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1% lên 724,84 USD/ounce, trong khi bạc cũng tăng 3% lên 14,42 USD/ounce. Thị trường bạc năm 2020 được dự báo sẽ là năm thứ 3 liên tiếp cung thấp hơn cầu vì các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi mức giá thấp nhất trong vòng một thập kỷ, mặc dù nhu cầu đối với kim loại quý này trong các ngành công nghiệp và trang sức dự báo sẽ đều giảm. Riêng palađi giảm giá trong phiên vừa qua do bức tranh thị trường ô tô Mỹ và Châu Âu rất ảm đạm, mặc dù thị trường Trung Quốc bắt đầu hồi phục. Palađi kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.197,63 USD/ounce.
Sắt, thép hồi phục
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng vào lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua mặt dù giảm hơn 3% lúc đầu phiên do lo ngại về nhu cầu giữa bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh.
Thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% vào cuối phiên, lên 3.220 CNY (453,63 USD)/tấn. Thép cây tăng 0,2% lên 3.377 CNY/tấn.
Quặng sắt cũng đảo chiều tăng trong phiên vừa qua. Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt đầu phiên giảm 3% nhưng tăng dần trong ngày để cuối phiên tăng 0,9% so với đóng cửa phiên trước, lên 647 CNY/tấn. Quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tới Trung Quốc phiên liền trước giảm 1% xuống 83,5 USD/tấn.
Công ty phân tích số liệu sắt thép Tivlon Technologies ở Singapore cho biết, xuất khẩu thép từ các điểm tập kết chính đã giảm 4-7% trong 2 tuần qua, và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa do chính sách cách ly xã hội trên toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nhôm thấp nhất 4 năm do dư cung
Giá nhôm giảm phiên thứ 4 liên tiếp do hoạt động của các nhà máy Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng trong tháng 3 hầu như không đáng kể, làm gia tăng lo ngại về việc nhu cầu kim loại này sẽ giảm trong khi nguồn cung tăng mạnh giữa bối cảnh dịch Covid-19 chưa thấy hồi kết.
Nhôm hợp đồng tham chiếu (kỳ hạn giao sau 3 tháng) trên sàn London giảm 0,7% xuống 1.489 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016.
Gạo Thái Lan cao nhất 7 năm
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 7 năm vì các nhà xuất khẩu nước này dự báo xuất khẩu sẽ tăng lên trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh đang tập trung vào việc chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Giá tham chiếu cạo 5% tấm của Thái Lan hiện khoảng 560 – 570 USD/tấn, FOB Bangkok – mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2013 (khi đó giá 570 USD/tấn). Cách đây một tuần, loại gạo này có giá dưới 500 USD/tấn.
Hiện Ấn Độ đang trong giai đoạn cách ly toàn quốc 21 ngày, còn Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, dự báo Philippines sẽ tăng cường mua gạo trong thời gian tới. Ngày 31/3, Philippines thông báo cần mua 300.000 tấn gạo.
Để đảm bảo an ninh lương thực, một số chính phủ đã thực hiện chính sách han chế xuất khẩu lương thực. Việt Nam đã tạm dừng xuất khẩu gạo; Campuchia cũng thông báo sẽ ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 5/4. Ấn Độ chưa có chính sách mới nào về gạo, nhưng việc phong tỏa 21 ngày trên toàn quốc khiến xuất khẩu gạo cũng gặp khó khăn. Riêng Thái Lan vẫn cho phép xuất khẩu gạo bình thường.
Đường hồi phục
Giá đường thô tăng trong phiên vừa qua, thoát khỏi mức thấp nhất 1,5 năm ở phiên liền trước, do giá dầu đảo chiều tăng 20% trong phiên vừa qua. Dầu tăng giá sẽ khiến các nhà máy đường Brazil chuyển hướng sang tăng sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.
Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 25 US cent (2,5%) lên 10,29 USD cent/lb. Tuy nhiên, đường trắng cũng kỳ hạn tháng 5 tiếp tục giảm thêm 1,4 USD (0,4%) xuống 340,6 USD/tấn, do lo ngại dịch Covid-19 và việc Ấn Độ cách ly toàn quốc trong vòng 21 ngày sẽ khiến cung – cầu mặt hàng này bị gián đoạn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3,35 US cent (2,9%) trong phiên vừa qua, lên 1,1935 USD/lb; trong khi cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 38 USD (3,2%) lên 1.209 USD/tấn, sau thông tin Brazil – nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới – chỉ xuất khẩu 3,04 triệu bao cà phê trong tháng 3, giảm so với 3,21 triệu bao cùng tháng năm trước. Xuất khẩu cà phê từ Honduras tháng 3 cũng giảm 7,1% trong tháng 3, và các quan chức ngành cà phê nước này cho biết xuất khẩu trong cả niên vụ 2019/20 giảm khoảng 4,3%.
Tại Châu Á, thị trường cà phê Việt Nam tuần này ngưng trệ do chính sách cách ly toàn dân kéo dài 15 ngày. Trong khi đó, tại Indonesia, giá cà phê robusta Sumatra chào bán cộng 200 – 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London phiên liền trước, so với mức cộng 300 USD/tấn cách đây một tuần (so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5).
Cao su vẫn thấp nhất 11 năm
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) tiếp tục giảm trong phiên vừa qua, vẫn quanh mức thấp nhất 11 năm, do ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm sút do dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, làm gián đoạn hoạt động sản xuất trên toàn cầu.
Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY vào cuối phiên, xuống 140,6 JPY (1,3 USD)/kg; trong phiên có lúc chỉ 138,3 JPY, thấp nhất kể từ 17/3/2009.
Hoạt động chế tạo ở hầu như khắp mọi nơi trên toàn cầu đều giảm trong tháng 3, trong đó ở Đức và Nhật giảm mạnh, che mờ tác động từ việc sản xuất ở Trung Quốc hồi phục nhẹ. Đơn đặt hàng mới ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 11 năm. Nhu cầu lốp xe của các hãng ô tô vẫn đang giảm và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tăng 135 CNY lên 9,745 CNY (1.373 USD)/tấn. Tại Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 3% lên 106,5 US cent/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 3/4